Xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ là một trong những hoạt động sinh lợi hiệu quả nhất cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng sản xuất với số lượng lớn.
Đối với nhiều doanh nghiệp, khi mới bắt đầu xuất khẩu, việc tạo dựng cho mình một thương hiệu ở thị trường nước ngoài là khá phức tạp và tốn thời gian. Tuy nhiên, chỉ cần có kĩ năng về các công cụ Digital và hiểu biết về xuất khẩu điện tử, việc kinh doanh trên phạm vi quốc tế có thể dễ dàng và tương đối đơn giản.
Nội dung chính
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu điện tử
Trước khi dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho xuất khẩu điện tử, doanh nghiệp cần dành thời gian để đánh giá các hoạt động hiện tại và sản phẩm của mình. Giai đoạn đánh giá tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ giúp bạn đưa ra các định hướng để quyết định có nên áp dụng E-Exporting hay không, và áp dụng như thế nào trong tương lai.
Doanh nghiệp có thể dựa vào các câu hỏi sau đây để đánh giá tiềm năng xuất khẩu điện tử của mình:
Về sản phẩm
- Doanh nghiệp có đang hoạt động hiệu quả tại thị trường nội địa?
- Sản phẩm của doanh nghiệp có cần được thường xuyên hỗ trợ bảo dưỡng hoặc theo dõi không?
- Sản phẩm của doanh nghiệp có sức hấp dẫn rộng rãi ở nhiều thị trường và nền văn hóa không? Liệu sản phẩm của doanh nghiệp có bị cấm ở một số thị trường nhất định không?
- Liệu doanh nghiệp có phải sửa đổi sản phẩm để thu hút lượng khách hàng quốc tế lớn hơn?
Về tài chính và vận hành
- Doanh nghiệp có thể chịu được áp lực tài chính khi xuất khẩu không? Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất, vận chuyển và tiếp cận khách hàng ở thị trường quốc tế
- Doanh nghiệp có đủ nhân sự giàu kinh nghiệm và sẵn sàng làm việc với khách hàng đến từ các môi trường văn hóa khác nhau không?
Ví dụ, các sản phẩm xe đạp không được phép nhập khẩu vào New Zealand, vì những chiếc xe này có thể mang hạt giống của một số loại cây trồng ngoại lai, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đặc biệt của đất nước này. Một số các mặt hàng như bật lửa, đồng hồ nhái các thương hiệu lớn cũng bị cấm ở nhiều quốc gia châu Âu để đảm bảo sự công bằng về cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa.

Những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng tại Việt Nam
Xây dựng kế hoạch xuất khẩu điện tử
Xây dựng một kế hoạch xuất khẩu là điều bắt buộc để đảm bảo việc xuất khẩu qua internet của doanh nghiệp diễn ra trơn tru và tiết kiệm nhất. Kế hoạch xuất khẩu điện tử sẽ giúp bạn:
- Xác định các thị trường tiềm năng để nhắm mục tiêu xuất khẩu;
- Xác định các rào cản của việc gia nhập thị trường quốc tế;
- Xác định các kênh phân phối sản phẩm, đối tác và cách tiếp cận thị trường;
- Lên ngân sách Marketing thực tế (bao gồm chi phí nghiên cứu thị trường, tham gia các sự kiện thương mại, chi phí mua các công cụ để hoạt động Marketing hiệu quả,…).
Xác định khách hàng tiềm năng ở nước ngoài là bước quan trọng để phát triển kế hoạch xuất khẩu điện tử. Trước hết, doanh nghiệp nên nghiên cứu số liệu thống kê thị trường quốc tế về lĩnh vực của mình để hiểu được mức độ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các quốc gia khác nhau. Sau đó, doanh nghiệp sẽ xác định một số thị trường chính – những thị trường có nhu cầu mạnh mẽ và tiềm năng phát triển cho các sản phẩm hoặc dịch vụ. Để đánh giá từng thị trường trong số những thị trường chính này, doanh nghiệp cần xem xét cả sự cạnh tranh nội địa và từ các đối thủ quốc tế, cũng như những xu hướng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hay dịch vụ của công ty.

Các thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Việt
Doanh nghiệp có thể đọc thêm bài viết của Asia Lion Blog để hiểu rõ hơn về cách tạo lập chiến lược Marketing xuất khẩu
Thay đổi sản phẩm để phù hợp với các thị trường nước ngoài
Trước khi thâm nhập thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần chắc chắn rằng sản phẩm của mình phù hợp với thị trường đó. Doanh nghiệp cần xem xét cả thị hiếu và sở thích ở thị trường nước ngoài, cũng như các quy định cụ thể mà thị trường mục tiêu áp dụng cho sản phẩm của của doanh nghiệp. Thông thường, những quy định này thường sẽ thay đổi theo từng quốc gia, bởi vậy doanh nghiệp cần hiểu rất rõ thị trường trước khi gia nhập và thay đổi sản phẩm của mình sao cho phù hợp.
Một số ví dụ về đặc tính sản phẩm mà doanh nghiệp có thể phải thay đổi:
- Tên sản phẩm: Đã có nhiều câu chuyện doanh nghiệp tung sản phẩm ra thị trường nước ngoài và sau đó mới phát hiện tên sản phẩm có hàm ý tiêu cực trong tiếng địa phương.
- Nhãn ghi: Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm của mình sang nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, có thể cần đổi các phép đo kích thước từ meter sang inch hay foot. Các mặt hàng khác như quần áo, giày dép cũng có các quy chuẩn đo khác nhau, bởi vậy doanh nghiệp cần nghiên cứu trước những thang đo của thị trường mục tiêu để thay đổi sao cho phù hợp.
- Bản thân đặc tính sản phẩm: Ví dụ, các thiết bị điện – điện tử trên thị trường Việt Nam hiện nay sử dụng ở mức điện áp 220V, nhưng thị trường Mỹ hoặc Nhật lại sử dụng điện áp 100V – 110V. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần xem xét việc chuyển đổi điện áp của các sản phẩm này để có thể thành công chiếm được thị phần tại quốc gia địa phương.

Gạo ST25 đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường châu u và châu Mỹ
Nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan
Như với hầu hết các giao dịch kinh doanh khác, các vấn đề về pháp lý, như luật và các quy định khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài là cực kì quan trọng. Với mỗi một thị trường, một mặt hàng và công ty lại có những vấn đề khác nhau liên quan đến pháp lý, thuế và các tiêu chuẩn cần đạt. Bởi vậy, khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu qua Internet, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của luật sư chuyên về luật quốc tế để đảm bảo tuân thủ các quy định khác nhau trong và ngoài nước. Các trang web như International Trade Center sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin cần thiết như mã HS, mức thuế quan cho sản phẩm nhập khẩu và các tiêu chuẩn chất lượng mà sản phẩm cần đạt.
Một số vấn đề pháp lý và quy định bạn nên xem xét khi thực hiện E-Exporting có thể kể đến như:
- Quyền tài phán: Luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng trong việc quy định các thủ tục xuất nhập khẩu? Ví dụ, khi xuất khẩu hàng hóa, công ty, chi nhánh phải tuân theo các quy định của pháp luật về việc xuất nhập khẩu hàng hóa và thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan , các cam kết của Việt Nam trong các điều kiện quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố. Khi xuất khẩu sản phẩm, ví dụ sang Mỹ hay Trung Quốc, các sản phẩm cũng cần có đầy đủ giấy tờ theo quy định của nước sở tại.
- Luật sở hữu trí tuệ: Hầu hết tất cả các thương hiệu trước khi xuất khẩu sẽ cần nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở mỗi quốc gia mà doanh nghiệp dự định kinh doanh. Điều này không chỉ cần thiết để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, mà còn đảm bảo các quy tắc về xuất xứ nghiêm ngặt tại thị trường nước ngoài. Có 2 cách để doanh nghiệp có thể đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu của mình:
- Đăng ký trực tiếp nhãn hiệu của mình với Cơ quan Sở hữu trí tuệ của từng quốc gia. Ví dụ, ở Úc, doanh nghiệp sẽ đăng ký với Phòng Nội dung & Bản quyền, Cục Cơ sở hạ tầng, Giao thông, Phát triển Vùng và Truyền thông Australia, hay nếu doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn Thái Lan thì cần đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ – Bộ thương mại Thái Lan. Doanh nghiệp có thể xem toàn bộ các Chi nhánh của Cục sở hữu trí tuệ thế giới tại đây.
- Dựa vào đơn gốc đã đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, qua Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, chỉ định cùng một lúc nhiều quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid (bao gồm 97 quốc gia). Đây là cách nhanh chóng và tiết kiệm hơn nếu doanh nghiệp có ý định xuất khẩu mặt hàng sang nhiều các quốc gia trên thế giới.
- Các hiệp định thương mại quốc tế: Các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và quốc gia mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu có thể giúp sản phẩm của bạn phải chịu mức thuế thấp hơn. Doanh nghiệp nên nghiên cứu các hiệp định đã được kí như EVFTA, UKFTA, CPTPP, RCEP để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, để đủ điều kiện xuất khẩu theo bất kỳ hiệp định thương mại nào, doanh nghiệp sẽ cần cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) chứng minh quốc gia xuất xứ của sản phẩm và các thành phần của sản phẩm.

Tổng hợp một số Hiệp định thương mại đã được Việt Nam ký kết (Nguồn: Trung tâm WTO)
Với các dịch vụ, phần mềm có thể giao dịch trực tuyến (có thể tải về), doanh nghiệp xuất khẩu thường không phải cung cấp các tài liệu hay báo cáo cụ thể. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp gửi sản phẩm phần mềm trên đĩa CD hoặc DVD cho khách hàng quốc tế, thì sản phẩm đó phải tuân theo các quy định giống như bất kỳ hoạt động xuất khẩu thực tế nào khác.
Điều chỉnh và tận dụng trang web để bán hàng ở nước ngoài
Internet là một công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường nước ngoài. Ngoài việc tận dụng đa kênh Digital Marketing để xúc tiến xuất khẩu như Asia Lion đã nhắc tới trong các bài blog của mình, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo một số mẹo sau để có thể thành công trong E-Exporting:
Website đẹp, đầy đủ thông tin: Một trang web chất lượng cao sẽ mang đến cho khách hàng những ấn tượng tích cực. Không giống như khách hàng trong nước, khách hàng nước ngoài có thể khó xác minh uy tín của công ty thông qua các phương pháp truyền thống như thăm công ty, trò chuyện trực tiếp cùng đội ngũ bán hàng. Bởi vậy, trang website của doanh nghiệp có thể là cơ hội duy nhất bạn có để thuyết phục khách hàng nước ngoài rằng bạn có khả năng cung cấp một sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, trang website của doanh nghiệp là một nguồn thông tin lý tưởng và đáng tin cậy mà mọi khách hàng sẽ tìm đến trong quá trình nghiên cứu sản phẩm. Bởi vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ luôn đầy đủ và phù hợp với khách hàng quốc tế. Để có một website chuyển đổi hiệu quả hơn, doanh nghiệp có thể tham khảo 8 tips do Asia Lion tổng hợp trong bài viết sau đây: 8 yếu tố giúp website xuất khẩu chuyển đổi hiệu quả hơn
Website và mạng xã hội đa ngôn ngữ: Các kênh thông tin đa ngôn ngữ sẽ là công cụ cần thiết để doanh nghiệp giao tiếp với những thị trường mục tiêu mà khách hàng sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Việc tạo lập nhiều phiên bản khác nhau của trang web doanh nghiệp có thể tốn khá nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên điều này sẽ đảm bảo tất cả khách hàng đều dễ dàng tìm thấy doanh nghiệp trên Internet.
Trên thực tế, chỉ có 25,3% người dùng Internet sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Trong một thử nghiệm trực tuyến, Neil Patel – nhà nghiên cứu chiến lược về Marketing đã thử dịch trang web của mình sang 82 ngôn ngữ khác nhau và nhận thấy lưu lượng truy cập vào trang web tăng 47% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Ví dụ về một website đa ngôn ngữ
Thường xuyên lắng nghe và trả lời khách hàng: Doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể sử dụng website để nói chuyện và trả lời câu hỏi của khách hàng. Tất cả các doanh nghiệp nên thêm chatbot hay thông tin về email để khách hàng có thể dễ dàng liên hệ với bạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi một cách kịp thời trong vòng 24h để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Theo thông tin từ Cuộc khảo sát của Microsoft, có 48% khách hàng mong muốn được phản hồi trong vòng 24 giờ, và tới 31,2% khách hàng được khảo sát muốn có phản hồi ngay khi họ đưa ra các câu hỏi.
Tìm kiếm e-leads qua các sàn thương mại điện tử
So với phương pháp Marketing truyền thống, các sàn thương mại điện tử là một nguồn tìm kiếm e-leads hiệu quả từ tất cả mọi quốc gia. Trên thế giới, có tới hơn 400 sàn thương mại điện tử đã hoạt động hiệu quả và mang lại rất nhiều khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu như Amazon.com hoặc Alibaba.com. Riêng tại Trung Quốc, các thị trường điện tử lớn được thành lập bao gồm Tmall, Jumeii, ASOS China, JD.com, VIP.com, Kaola.com và Suning.com với các cổng chuyên dụng bán các sản phẩm tiêu dùng phổ biến như thời trang, thực phẩm tốt cho sức khỏe, chăm sóc da và mỹ phẩm.

Gian hàng Amazon với nhiều sản phẩm đa chủng loại

Sàn Taobao.com chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm
Lợi ích của việc bán hàng trực tuyến thông qua chợ điện tử là doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng mới và xây dựng nhận thức về thương hiệu để giúp doanh nghiệp phát triển. Bạn cũng có thể tìm hiểu những gì người tiêu dùng muốn và cần thông qua phân tích dữ liệu bán hàng theo thời gian thực để đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt hơn. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ thêm một số loại phí như phí mở cửa hàng, phí niêm yết sản phẩm, tiền đặt cọc và phí hoa hồng theo tổng doanh số bán hàng.
Đọc thêm về các sàn thương mại điện tử trong xuất khẩu
Vận chuyển và thanh toán
Sau khi tìm được khách hàng tiềm năng và bán hàng, doanh nghiệp cần đưa sản phẩm của mình vượt qua biên giới. Bởi vận chuyển hàng hóa tới tay khách hàng quốc tế khá phức tạp, quá trình này được chia thành nhiều bước nhỏ như sau:
- Đóng gói: Vì sản phẩm của bạn sẽ phải đi qua nhiều địa điểm và chịu nhiều tác động trong toàn bộ quá trình xuất khẩu, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng hàng hóa được đóng gói đầy đủ để đến đích an toàn và không bị hư hại.
- Dán nhãn: Việc ghi nhãn thích hợp đảm bảo rằng hàng hóa của bạn được xử lý đúng cách và đến nơi kịp thời, ví dụ như các nhãn hàng dễ vỡ, hàng cần được bảo quản lạnh,…
- Tài liệu xuất khẩu: Quá trình xuất khẩu yêu cầu một số tài liệu nhất định đi kèm với lô hàng của bạn khi nó đi đến điểm đến cuối cùng ở nước ngoài như L/C, Bill of Lading,…
- Bảo hiểm: Bảo hiểm hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo không phải chịu toàn bộ tổn thấy khi hàng hóa bị hư hỏng, mất mát, trộm cắp trong suốt quá trình vận chuyển.
Xuất khẩu bằng Internet là một phương thức kinh doanh không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp, tuy nhiên, để tận dụng các công cụ Digital và xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp sang các thị trường khó tính không phải là một việc đơn giản. Mong rằng bài viết này đã giúp doanh nghiệp có thêm những kiến thức bổ ích về việc tạo lập kế hoạch xuất khẩu điện tử, cũng như có những chuẩn bị tốt nhất trước khi quyết định mang sản phẩm của mình tới thị trường quốc tế.
1 comment